Nếu so với các bộ môn nghệ thuật kinh điển như : Hội họa, Kiến trúc, Điêu khắc, Thi ca,… thì Bonsai còn xa mới có thể so sánh được. Trong khi đó các sách giới thiệu về văn hóa và nghệ thuật của Nhật bản đã xếp : Cắm hoa, Vườn cảnh, Trà đạo là nghệ thuật, còn Bonsai thì được xếp vào thú tiêu khiển (UNESCO 1958 – Japan : its land, people and culture, trang 1023 – 1024). Còn đa số các sách và tài liệu về Bonsai thì vẫn gọi Bonsai là một nghệ thuật. Chúng ta có thói quen như vậy.
Bonsai chủ yếu là nghệ thuật chọn một cây có tiềm năng trở thành một cây cảnh thu gọn, đẹp rồi trồng nó trong sự chăm sóc thường xuyên, đầy đủ và trìu mến, sao cho nó thích hợp một cách hài hòa với chậu để diễn tả một vẻ đẹp của thiên nhiên. Vì thế cần phải có ánh sáng, nước, phân bón và đất thích hợp để cho nó sống một cách mạnh khỏe. Đồng thời, sự cắt tỉa, thay đất, thay chậu, quấn dây và những kỹ thuật lão hóa,… đều cần thiết tạo cho cây một dáng mà ta mong muốn.
Cái đẹp ở cây Bonsai là đơn giản cho vừa đủ, hóa cách để lấy những nét chính của thể cây mà điều quan trọng là gợi ý về một điều gì đó hơn là khẳng định điều đó. Người Nhật thường so sánh Bonsai với thể thi ca cổ điển của họ là “Hai-Kai” vỏn vẹn có 17 âm tiết để diễn tả một cách cô đọng, súc tích và tầng ẩn một tình cảm hay một trạng thái tinh thần dồi dào và mãnh liệt.
Tuy nhiên, sự thu hỏ cây không phải là mục đích của việc trồng Bonsai mà là kết quả đã được củng cố của nhiều cố gắng để trồng một cây khỏe mạnh , uốn nắn đúng cách và đúng thời kỳ. Cây phải nhỏ nhưng cũng phải được nuôi dưỡng đầy đủ, do đó không phả là ta “hành hạ” hay “ bỏ đói” để làm cho no lún. Nếu các tác phẩm Bonsai nổi tiếng hiện nay mà không mạnh khỏe thì làm sao chúng sống được đến mấy trăm năm?
Cây Bonsai có thể trồng từ hột hay thu hái từ thiên nhiên hoặc bằng các kỹ thuật giâm cành, chiết cành, ghép… nhưng kết quả là cây nhỏ, có vẻ cổ thụ, mang các đặc tính của một cây mọc ngoài thiên nhiên mặc dầu sống trên một môi trường nhân tạo.
Làm thế nào cho cây trở thành “tí hon” được? Một kỹ thuật duy nhất không đủ làm cho cây nhỏ lại. Sự kiện một cây được trồng trong chậu và công việc cắt tỉa, thay đất, thay chậu, uốn nắng và các cách chăm sóc khác, tất cả góp phần tạo ra một kết quả cuối cùng là làm cho cây tăng trưởng một cách hạn chế nhưng khỏe mạnh. Ta cũng có thể gặp nhiều cây lùn trong thiên nhiên. Nhưng khi trồng kiểng Bonsai thì môi trường cung cấp cho cây là “có ý đồ”, dựa trên cơ sở các kiến thức cơ bản về thực vật học.
Các yếu tố chính góp phần làm hạn chế sự tăng trưởng của cây Bonsai là: đất và rễ cây, cắt tỉa, ánh nắng, tưới nước và gió.
Trích từ sách "Kỹ thuật Bonsai" - Lê Công Kiệt / Nguyễn Thiện Tịch
Tiếp theo: Triết lý của Bonsai